Adobe Photoshop Lightroom là một trong những ứng dụng chỉnh sửa ảnh tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy trên thị trường hiện nay. Điểm đặc trưng và cũng là yếu tố được nhiều người yêu thích trên Photoshop Lightroom chính là hệ thống các “thanh trượt” điều chỉnh vô cùng phong phú, tương ứng với các tùy chọn, khía cạnh chỉnh sửa mà bạn có thể áp dụng trên bức ảnh của mình một cách dễ dàng và vô cùng linh hoạt.
Một số thanh trượt như “Exposure” hay “Contrast” khá dễ hiểu về cả mặt định nghĩa lẫn tính năng. Nhưng một số trường hợp khác, chẳng hạn như “Clarity” (độ rõ ràng) và “Texture” (Kết cấu), lại khó hiểu hơn đôi chút.
Khi bạn lần đầu tiên dùng thử, thanh trượt điều chỉnh Clarity và Texture có thể trông khá giống nhau. Cả hai đều tăng thêm độ tương phản, độ sắc nét và kết cấu cho hình ảnh của bạn. Tuy nhiên, chúng làm điều đó theo những cách hoàn toàn khác nhau.
Tác dụng của Clarity
Thanh trượt Clarity nhắm mục tiêu chính đến điều chỉnh độ tương phản giữa tông màu. Nếu bạn tăng nó, các tông màu tối của hình ảnh sẽ trở nên tối hơn và ngược lại, các tông màu sáng sẽ trở nên sáng hơn. Điều này có tác dụng làm cho các chi tiết nhỏ trở nên nổi bật và khiến cho hình ảnh trông ấn tượng hơn.
Tóm lại, thanh trượt Clarity hỗ trợ bạn điều khiển khiển độ tương phản chi tiết trong một hình ảnh bằng cách ảnh hưởng đến các kết cấu khác nhau, làm cho bức ảnh trở nên “sắc” hơn. Ngoài ra, thanh Clarity mang đến cho bạn nhiều chi tiết hơn so với thanh Contract.
Tác dụng của Texture
Hãy suy nghĩ về thanh Texture như một công cụ làm mịn da. Ý tưởng ở đây là bạn sẽ sử dụng nó để loại bỏ bớt các chi tiết thô nhám, xù xì để tạo ra những bức chân dung đẹp hơn. Tuy nhiên, các nhà phát triển của Adobe đã phát hiện ra rằng diều cũng rất hiệu quả trong việc tăng chi tiết kết cấu của hình ảnh.
Thanh trượt Clarity nhắm mục tiêu đến các vùng “tần số cao” của hình ảnh của bạn. Đây là những nơi có rất nhiều chi tiết nhỏ khác nhau. Nó bỏ qua các khu vực “tần số thấp”, nơi mọi thứ nhìn chung giống nhau, chẳng hạn như bầu trời hoặc quần áo của ai đó.
Khi bạn kéo thanh trượt Texture lên, độ nổi bật và độ tương phản của các chi tiết trong bức ảnh cũng sẽ tăng theo và ngược lại.
Nên sử dụng Clarity hay Texture
Trên thực tế, Clarity và Texture lại là những công cụ bổ trợ hiệu quả cho nhau. Mặc dù chúng cùng có thể tạo ra kết quả tương tự trong một số hình ảnh, nhưng lại thực hiện điều đó theo những cách khác nhau. Nhìn chung, Clarity ảnh hưởng nhiều đến màu sắc tổng thể và độ bão hòa của hình ảnh, vì vậy nó có thể dễ dàng bị đẩy đi quá xa, làm cho hình ảnh mất đi độ chân thực. Sử dụng Texture sẽ tinh tế hơn.
Thông thường, hãy sử dụng Clarity khi bạn:
- Muốn tăng sự “kịch tính”, ấn tượng của hình ảnh.
- Muốn nhắm mục tiêu đến các khu vực “tần số thấp” như bầu trời.
- Không lo lắng về việc ảnh hưởng đến màu sắc trong ảnh, đặc biệt nếu bạn đang làm việc với màu đen và trắng.
Sử dụng Texture khi bạn:
- Muốn loại bỏ hoặc nhấn mạnh các chi tiết nhỏ mà không ảnh hưởng đến tổng thể của bức ảnh.
- Muốn tạo ra những hình ảnh trông tự nhiên hơn, đặc biệt là chân dung.
- Không muốn ảnh hưởng đến màu sắc trong hình ảnh.
Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể hoàn tác bất kỳ thao tác chỉnh sửa ảnh nào mà mình thực hiện trong Lightroom. Cách tốt nhất để xác định xem Clarity hay Texture sẽ hoạt động tốt hơn trên một hình ảnh cụ thể là dùng thử. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn với các công cụ, bạn sẽ biết được công cụ nào hoạt động tốt nhất trong từng tình huống cụ thể.