Đã quá nửa đêm, MC được tạo từ AI vẫn miệt mài rao bán mỹ phẩm trên một nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng. Nhiều người xem ngạc nhiên khi một lọ kem dưỡng thể được chào bán với giá 11 USD (240.000 đồng). Tuy vậy, những bình luận phía dưới không được phản hồi. Các câu nói dường như được lập trình từ trước và phát đi phát lại theo vòng lặp.
“Bạn không cảm thấy bị cám dỗ bởi đợt giảm giá này sao? Hãy mang sản phẩm này về nhà để căn phòng của bạn đầy mùi thơm”, nhân vật AI với trang phục màu hồng nói giọng đều đều.
MC ảo có thể gây một chút nhàm chán so với người thật, nhưng vẫn đang tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường bán hàng trực tuyến đang bùng nổ của Trung Quốc. Đây được xem là cách thức mới của các cửa hàng nhằm giữ cho doanh số bán hàng trong bối cảnh nhiều ngôi sao livstream quyền lực của nước này dần biến mất do chính phủ siết chặt chính sách thuế.
Bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là livestream bán hàng, trở nên thịnh hành tại Trung Quốc những năm gần đây, nhất là khi đại dịch khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn. Theo Nikkei Asia, giá trị ước tính của thị trường này riêng tại Trung Quốc đạt hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (160 tỷ USD) chỉ riêng năm 2021, trong khi báo cáo chung của KPMG và Alibaba ước tính con số tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (320 tỷ USD).
Livestream bán hàng sôi động đến nỗi đã biến hàng chục nghìn người thành triệu phú. Họ bán bất kể thứ gì, từ son môi tới ôtô. Dù vậy, hầu hết trong số đó không nộp thuế đầy đủ, khiến Trung Quốc phải mạnh tay. Đầu năm nay, “nữ hoàng livestream” Vy Á bị cơ quan thuế Chiết Giang phạt nặng vì trốn nộp thuế khoảng 110,2 triệu USD từ năm 2019 đến 2020. Các thông tin về cô trên mạng cũng bị gỡ bỏ.
Theo Wang Zhenxing, Giám đốc thương hiệu Hualian Digital – công ty chuyên thanh toán nhận diện khuôn mặt ở Hàng Châu, doanh nghiệp có nhu cầu lớn về MC ảo sau khi nhiều người thật không được phép xuất hiện vì trốn thuế. “Khi những người có tầm ảnh hưởng bị phạt và biến mất khỏi các nền tảng mua bán, người xem đang chuyển sang hình thức livestream khác, gồm các chương trình có MC ảo”, Zhenxing cho biết.
Cũng theo ông, chi phí cho một MC ảo là khoảng 8 USD mỗi ngày, rẻ hơn nhiều so với thuê người nổi tiếng – những người có thể đòi 40% doanh thu trong mỗi đợt phát trực tiếp hoặc hàng chục nghìn USD nếu thuê mỗi ngày.
Cheng Weizhong, người sáng lập và CEO Deep Science – công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ phát trực tiếp dựa trên AI, cho rằng MC kỹ thuật số sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai, khi việc phụ thuộc vào người nổi tiếng không bền vững. Deep Science hiện đạt 30% doanh thu từ MC AI, từng huy động hơn 16 triệu USD sau hai vòng huy động vốn.
Peng Mengyu, Giám đốc thương hiệu của Dreamland Maker Technology, đã bắt đầu chuyển từ livestream với người thật sang MC ảo. “Đó là cách để chúng tôi mở rộng kinh doanh. Tôi nghĩ phần lớn người trẻ hâm mộ văn hóa anime và manga, do đó công ty có thể mở rộng tệp khách hàng”, ông nói.
Trong khi đó, đại diện một công ty chuyên cung cấp các giải pháp livestream ảo cho doanh nghiệp đánh giá hình thức này sẽ đạt thành công trong tương lai. “Ưu điểm lớn nhất của các streamer ảo là có thể hoạt động 24/7. Khách hàng chúng tôi chỉ quan tâm mục tiêu doanh số hàng tháng, không chú trọng các thứ khác”, người này cho biết.
Dù vậy, nhiều đơn vị bán hàng thừa nhận MC dựa trên AI không phù hợp cho một số chương trình cần sự tương tác cao. Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm trên Kuaishou và Douyin vẫn cần tới kỹ năng và danh tiếng của những người có ảnh hưởng.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)