Đầu tháng 1, những người tham gia dự án Crypto Bike “sốc” vì giá trị của đồng CB trong game giảm 40 lần, từ 0,9 USD xuống 0,02 USD trong thời gian ngắn. Hiện giá đồng này đã tăng lên 0,09 USD, nhưng vẫn thấp hơn cả chục lần so với mức đỉnh cuối tháng 12, khiến nhiều nhà đầu tư gần như mất trắng.
Việc giá CB đột ngột giảm mạnh được cho là do 6 triệu token của dự án này bị bán ra. Số token này chiếm 60% tổng cung của dự án và đáng lẽ phải bị khóa. “Tôi đã thấy bất thường vì dự án không công khai đội ngũ phát triển, nhưng do dự đoán khả năng có lời cao nên tôi vẫn mua”, Chí Tín, một người chơi tại TP HCM, cho biết. Anh đã bán ngay số coin đang có sau khi đồng này có thể giao dịch trở lại, chấp nhận thiệt hại vài trăm USD.
Crypto Bike không công bố đội ngũ trên website như các game blockchain khác, nhưng sau khi nhận thấy dự án có dấu hiệu “rút thảm“, cộng đồng đã tìm ra danh tính của người đứng sau, là một nhóm phát triển game người Việt. Sau khi bị phát hiện, nhóm khẳng định họ cũng chỉ là người làm thuê cho một người khác. Tuy nhiên, người thuê họ cũng là người Việt, được cho là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội.
Khi bị cộng đồng phản ứng mạnh, Crypto Bike giải thích họ đã hack, đồng thời hứa đền bù ít nhất 70% số tiền đã mua cho những người tham gia.
Cùng thời gian, một dự án meme coin của nhóm phát triển người Việt cũng bị tố lừa đảo. Dự án Floki Iron gọi vốn bằng cách bán trước token tên FIT cho những nhà đầu tư sớm trên nền tảng PinkSale. Ngày 22/12, Floki Iron tuyên bố đã bán hết số token trị giá 100 BNB trong 30 giây.
Tuy nhiên, toàn bố số tiền trên bị người đứng sau rút ra, thay vì dùng để đầu tư vào dự án. Với giá trị của mỗi BNB khi đó là hơn 500 USD, số tiền mà nhóm này thu về khoảng 50.000 USD.
PinkSale sau đó thông báo về việc không thể liên hệ với nhóm phát triển Floki Iron và quyết định công bố danh tính dựa trên dữ liệu KYC, cho thấy ba người này đến từ Thái Nguyên, Bình Phước và Quảng Nam.
“Sau khi mở một cuộc điều tra sâu về Floki Iron, chúng tôi kết luận người đứng sau đã cố tình lừa dối các nhà đầu tư và lấy cắp số tiền thanh khoản”, thông báo của PinkSale viết. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc công khai giấy tờ tùy thân của họ để bất cứ ai bị ảnh hưởng có thể tiến hành các biện pháp pháp lý nếu cần”.
PinkSale cũng điều tra và phát hiện nhóm này đang phát triển một dự án khác là CyberTronToken. Đến nay, website, fanpage và nhóm Telegram của nhóm này đã đều ngừng hoạt động.
Ngoài hai trường hợp trên, một số dự án game blockchain khác của Việt Nam cũng bị cho là có dấu hiệu gian dối để trục lợi, với chiêu trò chung là bán lén số token đáng lẽ phải bị khóa, nhưng sau đó nói rằng mình bị hack. Một số khác không đưa ra lộ trình phát triển rõ ràng, mượn danh những người có uy tín để đưa vào đội ngũ phát triển nhằm lấy lòng tin những người đầu tư.
Lung lay niềm tin vào game blockchain Việt
Bên cạnh thiệt hại cho người mua token, NFT của dự án lừa đảo, danh tiếng của ngành game blockchain tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu bởi các dự án chất lượng kém.
Nhà sáng lập một dự án game NFT tại Hà Nội cho biết, dự án của anh đã ra sản phẩm demo, đội ngũ sáng lập có hồ sơ rõ ràng, nhưng vẫn mất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư trong lần gọi vốn mới đây.
“Họ thận trọng hơn khi thấy dự án từ Việt Nam, kể cả những quỹ trong nước”, anh nói. Với người dùng, do game NFT thường yêu cầu người chơi phải bỏ tiền ban đầu để mua nhân vật, vì vậy họ cũng phải kiểm tra kỹ hơn trước khi tham gia, khiến các dự án chậm trễ trong việc thu hút người chơi.
Theo ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue, quản trị viên diễn đàn phổ cập blockchain, tình trạng lừa đảo không chỉ có ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đặc trưng của lĩnh vực blockchain là phi tập trung, tất cả các nhân hay tổ chức đều có thể tham gia, trong đó có cả người tốt kẻ xấu. Việc lừa đảo trong thị trường tiền mã hóa là vấn nạn chưa có cách giải quyết khi hầu hết hacker, kẻ lừa đảo đều ẩn danh sau mỗi dự án.
CEO này cho biết, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới, điển hình với Axie Infinity. Trước đây, chỉ cần giới thiệu là dự án đến từ Việt Nam, một số quỹ sẵn sàng đầu tư từ buổi gặp đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện nhiều game có dấu hiệu lừa đảo, sản phẩm chất lượng kém và không đúng sự thật, người dùng và nhà đầu tư thế giới dần mất thiện cảm. “Việc này vô tình sẽ ảnh hưởng đến các dự án blockchain nghiêm túc khác của Việt Nam trong tương lai”, ông nói.
Tại Diễn đàn Tech Summit 2022 do VnExpress tổ chức ngày 7/1, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhận định những dự án chất lượng kém, bị thổi phổng.. là yếu tố không thể tránh khỏi của một thị trường đang phát triển nhanh như blockchain. Qua những sự việc như vậy, người dùng sẽ nâng cao được kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Dự án kém chất lượng cũng sẽ dần bị thanh lọc và chỉ còn các dự án thực sự giá trị có thể tồn tại.
Theo báo cáo của Chainalysis, lừa đảo tiền mã hóa đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD trong năm 2021, cao gấp gấp đôi mức 7,8 tỷ USD năm 2020. Hiệp hội Các nhà Quản lý Chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) cũng nhận định tiền điện tử là mối đe dọa lớn nhất với nhà đầu tư. Loại hình này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo do khó khăn trong việc xác minh danh tính đối tác cũng như chưa được pháp luật bảo vệ. Các kịch bản lừa đảo phổ biến được nhắc đến gồm: Bơm – xả, rút thảm, mạo danh để chiếm ví, dụ tham gia vào dự án đa cấp.
Lưu Quý