Giáo sư Mỹ: ‘AI cần học cách ra quyết định có đạo đức’

AI hành xử có đạo đức, quy tắc hay không” là câu hỏi nhận được nhiều quan tâm nhất của các diễn giả tham gia tọa đàm “Tương lai của trí tuệ nhân tạo”, diễn ra tại Hà Nội ngày 19/1.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) cho rằng con người phải thực sự thận trọng khi sử dụng AI trong một số lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến đầu tư, phân bổ nguồn lực, y tế.

Bà lấy ví dụ trong việc sử dụng AI để phân tích, sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế tại Mỹ cách đây vài năm: “Một người da trắng, một người da đen. Người da đen nhận được ít điều kiện điều trị hơn vì khi phân tích các dữ liệu, AI nhìn vào các dữ liệu trong quá khứ và có một trường thông tin về chủng tộc. Chúng ta phải thận trọng để tránh các cách hành xử như vậy”.

GS Gérard Albert Mourou phát biểu tại tọa đàm sáng 19/1. Ảnh: Thạch Thảo

Giáo sư Jennifer Tour Chayes phát biểu tại tọa đàm trưa 19/1.

Theo bà, tương tự công nghệ tiền số, con người phải xây dựng được mô hình AI có mạng lưới tin cậy lẫn nhau. “Ai là người đáng tin cậy nhất để đảo bảo AI của tôi cho tôi biết cách thức đầu tư chính xác hay can thiệp chính xác trong y học. Nó sẽ đưa ra quyết đó thay cho chính tôi và chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về các quyết định đó”, bà nói.

Đồng quan điểm, giáo sư Albert P. Pisano từ Đại học California, San Diego (Mỹ), cho rằng con người cần đặt ra tiêu chuẩn về khái niệm riêng biệt cho AI, đó là đạo đức. AI không gây nguy hại trực tiếp, nhưng khi đưa ra một quyết định, con người phải giả định AI đóng vai trò như thế nào. Ông cũng cho rằng các thuật toán của trí tuệ nhân tạo ở một khía cạnh nào đó sẽ thay mặt cho con người, cho cá nhân chứ không đơn thuần chỉ là hệ thống. “Làm sao để thấy sự cân bằng lợi ích của tổ chức, vị trí, trách nhiệm mà AI được sử dụng, ai được lợi bởi các quyết định đó và trách nhiệm việc ra quyết định thuộc về cá nhân hay hệ thống”, ông nói.

Theo ông, để đảm bảo công bằng trong sử dụng AI, con người cần kiểm soát dữ liệu đầu vào. “Giống như ai đó nhận hối lộ, phần mềm cần được chọn dựa trên dữ liệu nào để ra quyết định đúng hay không đúng”, ông nêu.

Trong khi đó, giáo sư Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ), nhận định quá trình học máy của AI khó biết kết quả cuối cùng ra sao, quan trọng cần xem cách AI vận hành thế nào. “Đây là nhiệm vụ khó để xây dựng thuật toán ngay từ đầu và đặt được mục tiêu gì khi sử dụng”, giáo sư cho biết.

Còn theo tiến sĩ Bùi Hải Hưng, thuộc Viện nghiên cứu VinAI Research, vấn đề nằm ở phía người ra quyết định chứ không phải thuật toán. Con người hoàn toàn kiểm soát được việc này nếu mô hình AI tuân thủ nguyên lý xây dựng ban đầu và đúng cách đã được “học”.

Giáo sư Albert P. Pisano - Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ); Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture

Giáo sư Albert P. Pisano, Đại học California, San Diego (Mỹ) phát biểu tại sự kiện.

Nêu ra các vấn đề còn tồn tại nhưng các diễn giả đều cho rằng AI đang làm tốt việc giữ công bằng, tạo điều kiện cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Giáo sư Chayes lấy ví dụ trong Covid-19, các nhà khoa học sử dụng nhiều dữ liệu tổng hợp về dân cư, vệ tinh để xác định cộng đồng cần hỗ trợ tại Tongo, Afghanistan. Dựa trên đó, AI có thể phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, tương tự với vấn đề thiếu y, bác sĩ.

Giáo sư Albert P. Pisano cũng đề cập đến ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh tại Việt Nam. Với bệnh lao phổi, việc đọc phim X quang chiếm nhiều thời gian của các bác sĩ hàng ngày. Hiện nay, AI đã có thể làm thay bác sĩ, học hỏi về các dấu hiệu nhận biết, phân loại hồ sơ và thậm chí là cả tình trạng với từng bệnh nhân. “Bác sĩ vẫn là người quyết định cuối nhưng AI giúp giảm rất nhiều thời gian, nhân lực. Trong y tế đã có nhiều dự án như vậy”, ông cho hay.

Tương tự trong lĩnh vực ngôn ngữ học, tiến sĩ Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Microsoft, nói AI có thể giúp bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. “Nhiều ngôn ngữ sắp biến mất vì ít được sử dụng, nhưng chúng ta có thể khắc phục bằng cách cung cấp các ứng dụng dịch thuật miễn phí, giúp mọi người vượt qua rào cản về ngôn ngữ”. Ông cũng cho rằng lợi ích lớn của AI là có thể xử lý đa kênh thay vì trình tự như não bộ con người: “AI đã mang lại sự biến đổi quá lớn trong việc dịch thuật. Năm 1970, chúng ta thậm chí không đưa ra được giải pháp nào về vấn đề này”.

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, Viện nghiên cứu VinAI Research.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện nghiên cứu VinAI Research.

Nói về sự phát triển, giáo sư Chayes cho rằng AI đã vượt qua con người ở nhiều khía cạnh. Trí tuệ nhân tạo trong một số trường hợp còn vượt qua cả chuyên gia trong phát hiện và hỗ trợ đa kênh hơn khi đưa ra quyết định. Còn theo tiến sĩ Bùi Hải Hưng, AI chưa đạt được ở quy mô đại trà, nhưng trong quá trình 5-10 năm phát triển đã giúp toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay hoạt động trơn tru hơn.

Các diễn giả đều tỏ ra lạc quan về sự phát triển của AI và ví công nghệ này như Isaac Newton để truyền cảm hứng cho giới khoa học. Trả lời câu hỏi của khách mời sự kiện về khó khăn khi Việt Nam là nước đi sau về AI, giáo sư Vũ Hà Văn cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân trong nước về giá trị của khoa học nói chung. “Phải có chính sách, cơ chế hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. Nghiên cứu bây giờ hoàn toàn mở, thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam cũng là cách để tiến nhanh cùng thế giới”, ông nói.

Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính: Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo. Ngày 19/1 là tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.

Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize). Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture. VnExpress sẽ tường thuật trực tuyến sự kiện này.

Tuấn Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *