“Bất cứ ai nói cho bạn biết metaverse sẽ như thế nào đều là do họ tự đoán hoặc đang đùa”, CNet nhận định. Theo các chuyên gia, metaverse không chỉ là câu chuyện về kính VR, AR, vũ trụ ảo còn mang nhiều sắc thái hơn so với những nền tảng kỹ thuật mà nó được nhắc đến.
Ngay cả thuật ngữ metaverse cũng vẫn còn rất sơ khai. Một số khái niệm đang xuất hiện gắn liền với các công ty công nghệ như Meta, Microsoft… trong khi khả năng tương tác trong vũ trụ ảo mở ra một tương lai đa dạng hơn.
“Dù bị hấp dẫn bởi ‘khả năng di động xuyên biên giới’, metaverse không nên bị giới hạn bởi một khái niệm hay định nghĩa nào đó từ một công ty. Vũ trụ ảo không chỉ có một”, trang công nghệ này cho hay.
Hầu hết giải pháp metaverse đang trong giai đoạn đầu, tương tự những hình đại diện của người dùng trên các nền tảng được thể hiện dưới dạng hoạt hình. Một vài nền tảng như Spatial hiển thị chân dung người dùng một cách chân thực hơn. Tuy nhiên, những rào cản về tính năng theo dõi cử chỉ khuôn mặt theo thời gian thực, phát hiện chuyển động của mắt và các loại cảm biến vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho thế giới kỹ thuật số.
Ngoài yếu bố cơ bản như hình đại diện, biệt danh… còn có nhiều mối quan tâm lớn hơn trong vũ trụ ảo. Ví dụ như nền kinh tế trong metaverse – một trong những động lực lớn thúc đẩy các công ty công nghệ tham gia lĩnh vực này. NFT và tài sản số trong vũ trụ ảo là một ví dụ. Trong khi có những người kiếm được hàng triệu USD từ việc bán một tác phẩm nghệ thuật, cũng có hàng trăm nghìn tác phẩm NFT khác hoàn toàn vô gía trị. Điều tương tự cũng diễn ra khi nhiều người đổ xô đi mua bất động sản kỹ thuật số. Một số cho rằng trong tầm nhìn dài hạn, nếu bỏ tiền ra mua đất ảo bây giờ, tương lai họ có thể sở hữu một “Manhattan phiên bản kỹ thuật số”. Số khác lại cho rằng, có thể hôm nay miếng đất ảo có giá trị nhưng ngày mai, chúng chỉ giống như một món đồ chơi cũ.
Tiếp đến là vấn đề về phần cứng. Khi chuyển sang metaverse, một trong những thứ không thể thiếu là thiết bị AR, VR. Hiện hầu hết kính thực tế ảo không thân thiện với mắt người, mọi người thường thấy đau đầu, chóng mặt và mỏi mắt khi dùng kính VR trong vài tiếng liên tục. Có nghĩa, trải nghiệm trong vũ trụ ảo sẽ liên tục bị đứt đoạn vì con người cần nghỉ ngơi.
Game đang là cách tốt nhất để đưa người dùng vào vũ trụ ảo. Nhưng tương lai xa hơn các công ty công nghệ nhắm đến là phá bỏ thói quen mà con người xây dựng qua nhiều thế hệ. Ví dụ, phòng họp ảo Horizon của Meta cung cấp một địa điểm làm việc hoàn toàn ảo, cho phép các đồng nghiệp gặp gỡ dưới dạng avatar. Nhưng họ không thể làm việc chỉ qua những cuộc họp. Những công cụ như máy tính, bàn phím trong vũ trụ ảo không thể mang lại hiệu suất như đánh máy và viết trực tiếp lên bảng. Xét về khía cạnh này, metaverse không phải công cụ hữu dụng để cải thiện năng suất lao động của con người. Không ít người cũng hoài nghi về việc tuyển ai đó trong thế giới ảo, chỉ thông qua avatar hoạt hình vì khó đánh giá đúng về ứng viên.
Cuối cùng là mâu thuẫn về tương lai công nghệ. Các chuyên gia công nhận điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng truyền thống không thể giúp con người tiến xa hơn vào kỷ nguyên Internet. Tiền mã hóa dần được chấp nhận và có những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Tuy nhiên, không dễ có một bước tiến nhảy vọt, đưa con người tiến thẳng vào vũ trụ ảo như những gì các gã khổng lồ công nghệ đang vẽ ra.
Mỹ Quyên (theo Cnet)