Ngày 31/3, hãng viễn thông Trung Quốc thừa nhận hoạt động kinh smartphone của mình đang gặp khó khăn bởi lệnh cấm của Mỹ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng, cắt đứt khả năng mua các linh kiện quan trọng của công ty.
“Do các lệnh trừng phạt không công bằng của Mỹ, hoạt động kinh doanh điện thoại di động của chúng tôi đã sụt giảm doanh thu”, Chủ tịch Huawei Ken Hu cho biết tại một cuộc họp báo ở Thâm Quyến, sau khi công bố báo cáo tài chính mới nhất của công ty.
Huawei không tiết lộ cụ thể hãng giảm bao nhiêu doanh thu mảng smartphone năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều dễ nhận ra. Theo dữ liệu từ Gartner và Counterpoint, Huawei không còn dẫn đầu thị trường ở quê nhà Trung Quốc, chứ chưa nói đến toàn cầu.
Trong khi đó, doanh số bán các thiết bị điện tử tiêu dùng khác của Huawei – bao gồm máy tính xách tay, máy tính bảng và thiết bị đeo – đã tăng 65% so với năm 2019. Huawei chủ động mở rộng thiết bị đeo thông minh những năm gần đây và kết quả mới nhất đã giúp họ tự tin hơn vào chiến lược của mình.
Bất chấp kết quả kinh doanh smartphone không mấy khả quan, doanh thu tổng hể đã tăng 891,4 tỷ nhân dân tệ (136,7 tỷ USD) vào năm 2020. Họ cũng đạt lợi nhuận 64,6 tỷ nhân dân tệ (9,9 tỷ USD) – cao nhất trong lịch sử công ty, theo người phát ngôn của hãng.
“Công bằng mà nói, năm 2020, chúng tôi đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Huawei có thể duy trì tăng trưởng nhờ một loạt biện pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình”, Hu nói với các phóng viên.
Sự phục hồi sớm ở Trung Quốc sau đại dịch cũng đóng góp vào cho kết quả kinh doanh của hãng. Doanh thu tại thị trường quê nhà của Huawei tăng 15,4% so với mức giảm ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Những tháng qua, các đối thủ đồng hương Oppo và Xiaomi đã vượt Huawei trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc.
“Với tình hình kinh doanh điện thoại thông minh tiếp tục thiếu bền vững, rất khó để chúng tôi đưa ra dự báo”, Hu lưu ý.
Theo Varun Mishra, nhà phân tích thiết bị di động và hệ sinh thái tại hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Huawei sẽ không thể sớm quay trở lại vị trí dẫn đầu thị trường smartphone.
Huawei gần đây cũng bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor, vốn chiếm 40% tổng số máy xuất xưởng của hãng vào năm 2020. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói việc bán Honor “là một quyết định buộc phải đưa ra để ứng phó trước những thay đổi của môi trường bên ngoài”.
Sắp tới, việc cải thiện vị thế của công ty tại Mỹ sẽ là yếu tố quyết định đối với tương lai của Huawei trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Nhưng thái độ của chính quyền mới không được như Huawei kỳ vọng. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đầu tháng 3 đã lặp lại những tuyên bố trước đây rằng Huawei gây ra “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”, dập tắt hy vọng sớm được thiết lập lại quan hệ.
“Nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, tôi không thấy có cách nào để họ có thể phục hồi hoạt động kinh doanh smartphone của mình”, Mishra nói.
Đăng Thiên (theo CNN)