Đối đầu Mỹ – Trung đe dọa hãng công nghệ lớn nhất châu Âu

Thị trấn nhỏ Veldhoven với 45.000 dân ở Hà Lan là nơi đặt trụ sở của “gã khổng lồ” công nghệ của châu Âu. Nằm gần biên giới Bỉ, công ty ASML đã trở thành cái tên không thể thiếu trong ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ toàn cầu. Tính đến cuối năm ngoái, họ là doanh nghiệp công nghệ đại chúng lớn nhất châu Âu tính theo giá trị vốn hóa nhờ nhu cầu bán dẫn tăng vọt trong đại dịch và tình hình khan hiếm chip trên khắp thế giới.

Công nhân lắp ráp một máy quang khắc EUV. Ảnh: ASML.

Công nhân lắp ráp một máy quang khắc EUV. Ảnh: ASML

Tầm quan trọng của ASML, thành lập năm 1984, nằm ở những cỗ máy quang khắc tối tân mà họ cung cấp cho các công ty chế tạo chip lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia thường ví ASML là điểm nghẽn cổ chai, bởi họ chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím (EUV).

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã ngăn công ty Hà Lan bán những cỗ máy hiện đại nhất cho Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ đóng góp 7,6% doanh số chip toàn cầu, nhưng tỷ lệ này đang tăng nhanh chóng trong bối cảnh Bắc Kinh coi sản xuất bán dẫn là một trong 7 công nghệ ưu tiên phát triển.

Những lệnh cấm của Mỹ khiến Trung Quốc đang bị tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn tới lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mau chóng tìm cách phát triển doanh nghiệp nội địa tương tự ASML, đe dọa vị thế thống trị của công ty Hà Lan trong lĩnh vực quang khắc.

ASML chơi một canh bạc lớn khi theo đuổi công nghệ EUV từ thập niên 1990, đưa họ trở thành doanh nghiệp không có đối thủ trên thị trường. Họ ước tính các công ty khác sẽ phải mất ít nhất 15 năm nữa mới có thể phát triển được hệ thống như mình.

Quá trình chuyển đổi sang EUV vốn rất dài và đắt đỏ. ASML phải thuyết phục các khách hàng lớn như Intel, Samsung và TSMC mua cổ phần để có đủ ngân sách nghiên cứu công nghệ. Dự án này tiêu tốn khoảng 9 tỷ USD khi máy EUV thương mại đầu tiên xuất xưởng năm 2017.

Phần thưởng cho canh bạc này rất lớn. ASML hiện là công ty duy nhất có khả năng chế tạo máy quang khắc EUV, cho phép sản xuất những chip bán dẫn phức tạp và tinh vi nhất thế giới. Tính đến tháng 9/2021, công ty bán được 125 máy EUV, mỗi chiếc có giá hơn 150 triệu USD.

Công ty Hà Lan hiện có giá trị hơn 300 tỷ USD và giá cổ phiếu đã tăng hơn hai lần kể từ đầu năm 2020. Giới phân tích dự đoán ASML có thể trở thành công ty châu Âu đầu tiên vượt mức vốn hóa 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, biến động chính trị nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của ASML. Năm 2018, khi ASML nhận được đơn đặt mua máy EUV từ một khách hàng Trung Quốc, chính quyền Mỹ hối thúc Hà Lan chặn hợp đồng.

Năm 2019, Charles Kupperman, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, được cho là đã đe dọa rằng hệ thống máy móc của ASML sẽ không thể hoạt động nếu thiếu linh kiện Mỹ và Nhà Trắng có quyền ngăn xuất khẩu các thiết bị này đến Hà Lan.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thay đổi quyết định của người tiền nhiệm. Trong khi đó, chính phủ Hà Lan cũng chưa cấp phép cho ASML bán sản phẩm sang Trung Quốc.

ASML từ chối bình luận về tiềm năng thị trường tại Trung Quốc nếu được bán máy EUV cho nước này. Hiện cũng không ai dám chắc lệnh hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc có mở rộng ra những sản phẩm khác của ASML hay không. “Ngành công nghiệp đang rất chán nản. Ai cũng muốn biết rõ lý do để hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”, Paul Triolo, Giám đốc chính sách công nghệ toàn cầu của tập đoàn tư vấn Eurasia Group, nói.

Trong báo cáo giữa năm ngoái, công ty tư vấn Boston Consulting Group khuyến cáo tình cảnh này có thể hối thúc Trung Quốc quyết tâm xây dựng doanh nghiệp thay thế ASML. CEO ASML Peter Wenninck thừa nhận đây là điều đáng lo ngại với công ty, nhưng tin sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do họ vẫn còn những khách hàng lớn trên thế giới.

Mối lo ngại lớn nhất với ASML là nguy cơ mất vị thế thống trị và duy nhất khi đối thủ từ Trung Quốc hoặc một nước nào đó xuất hiện. Để phòng tránh, công ty Hà Lan đầu tư rất nhiều vào công nghệ mới. Trong năm 2021, họ đã chi 13,7% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển và dự kiến tăng lên 14% năm nay.

Khoảng 30% doanh thu của ASML năm 2020 là từ Trung Quốc. Leo thang căng thẳng thương mại sẽ tác động trực tiếp đến nguồn thu của ASML, cản trở nỗ lực nghiên cứu phát triển của họ trong ngành công nghiệp đắt đỏ như bán dẫn.

“Nếu Mỹ tìm cách tiếp tục mở rộng kiểm soát và nhắm vào những khách hàng tiềm năng của ASML trên diện rộng hơn, họ sẽ mất nhiều thị phần tại Trung Quốc”, ông Triolo nói.

Điệp Anh (theo Wired)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *