Colombo cho biết, lỗ hổng bảo mật trên hệ thống của xe Tesla cho phép anh mở cửa, khởi động xe từ xa. Các hacker cũng có thể lợi dụng điểm yếu này để xâm nhập những tính năng khác bên trong, như mở nhạc, bật đèn khi xe đang chạy, gây mất tập trung cho lái xe, theo dõi vị trí xe, thậm chí thay đổi điểm đến nếu xe đang trong chế độ tự lái.
“Tôi nghĩ vấn đề khá nguy hiểm, nhất là khi kẻ xấu bất ngờ điều khiển phát nhạc từ xa với âm lượng lớn, hoặc mở cửa xe trên đường cao tốc. Ngay cả việc nhấp nháy đèn xe liên tục cũng gây một số tác hại đối với tài xế”, Colombo nói.
Hacker 19 tuổi cho biết, lỗi không liên quan đến phần mềm của Tesla mà xuất phát từ chủ sở hữu, nhưng không đề cập chi tiết lỗ hổng để tránh bị lợi dụng. Anh cũng đã thông báo với đội an ninh của Tesla để xem xét vấn đề.
Một số chuyên gia bảo mật nhận định phát hiện của Colombo đáng chú ý. Tesla hiện cho phép các ứng dụng bên thứ ba truy cập vào dữ liệu ôtô – điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại có thể là nguồn gốc của lỗ hổng bảo mật. Tyler Corsair, nhà sáng lập công ty phân tích ứng dụng ôtô Teslascope, cho rằng lỗi này có thể liên quan đến một số người đang sử dụng phiên bản riêng của chương trình phân tích cho xe Tesla có tên Teslamate.
Dù lỗi chỉ ảnh hưởng đến một lượng nhỏ người dùng, giới bảo mật lo ngại nó có thể bị lợi dụng cho mục đích nguy hiểm hơn. Trước đây, một số xe Tesla cũng bị tấn công. Năm 2014, một nhóm hacker Trung Quốc xâm nhập vào hệ thống xe Model S để kích hoạt còi, đèn pha và khóa cửa. Năm 2020, Lennert Woulters, chuyên gia nghiên cứu bảo mật tại Đại học KU Leuven (Bỉ), tạo ra công cụ để hack xe Model X trong 90 giây.
Elon Musk, CEO Tesla, từng nói các vụ tấn công hệ thống là mối quan tâm lớn nhất của ông. “Về nguyên tắc, nếu ai đó hack được hệ thống tự lái của Tesla, họ có thể đưa tất cả chúng đến Rhode Island và thậm chỉ cả nước Mỹ. Đó sẽ là sự kết thúc của Tesla”, Musk nói trong một sự kiện năm 2017.
Bảo Lâm (theo Telegraph)