Với bộ lọc có sẵn của TikTok, Mia, sống ở Anh, xuất hiện trên mạng xã hội mà không cần trang điểm. Khuôn mặt cô gọn gàng, da láng mịn, khác hẳn vẻ ngoài của chính mình. Sau một thời gian, việc dùng bộ lọc làm đẹp trên các ứng dụng đã trở thành thói quen, cho đến khi Mia soi gương và không nhận ra khuôn mặt của chính mình.
“Tôi chỉ cảm thấy mình thật xấu xí… Đó là khoảnh khắc rất đáng sợ”, cô nói với The Guardian.
Mia bắt đầu sử dụng bộ lọc sau khi một video của cô bất ngờ lan truyền trên TikTok. “Tôi có ngoại hình to lớn hơn trong video. Khi đó, tôi nặng khoảng 100 kg, nên rất sợ mọi người bình phẩm về mình”, cô kể.
Nỗi sợ của Mia sau đó thành hiện thực. Khi video của cô đạt một triệu lượt xem, các bình luận mang tính xúc phạm bắt đầu đổ về. “Tôi bị nhiều người ghét bỏ và bình phẩm khiếm nhã”, Mia nói. “Tôi khóc và tự thấy mình xấu xí, kinh tởm. Tôi đã gần 30 tuổi và kiểm soát được phần nào cảm xúc. Nếu là một đứa trẻ 10 tuổi, tôi không dám nghĩ đến điều tồi tệ sau đó”.
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động tâm lý của các bộ lọc ảnh và video trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Snapchat… Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jasmine Fardouly, chuyên gia nghiên cứu về ngoại hình con người tại Đại học New South Wales, khi không thể đạt được tiêu chuẩn về sự trẻ đẹp trong đời thực, nhiều người tìm đến sự hài lòng trên ứng dụng.
Các bộ lọc làm đẹp có trên TikTok, Instagram hoặc Snapchat thường có điểm giống nhau là tạo hình khuôn mặt và ngoại hình theo tiêu chuẩn chung nhất về cái đẹp ở từng nơi ứng dụng đó xuất hiện. Chẳng hạn tại châu Âu, làn da sáng mịn, mặt thon, mũi nhỏ và thẳng, môi căng mọng được quan tâm, từ đó bộ lọc đáp ứng được những tiêu chí này cũng được dùng nhiều nhất.
Trên đa số ứng dụng, điều khoản sử dụng chối bỏ trách nhiệm liên quan đến tác động của bộ lọc tới người dùng trong thực tế. Trong khi đó, theo Fardouly, việc lạm dụng bộ lọc làm đẹp có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn.
“Sự không hài lòng về cơ thể là yếu tố dự báo quan trọng cho chứng bệnh như rối loạn ăn uống, trầm cảm… Bên cạnh đó, vấn đề cũng có mối liên hệ với việc số lượng người quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ gia tăng thời gian qua”, Fardouly nhận xét.
Đây là điều Amy Hall-Hanson đã trải qua. Cô gái 29 tuổi này đã phải vật lộn với chứng rối loạn cơ thể nhiều năm. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc sửa môi cho đến khi sử dụng các bộ lọc làm đẹp cho mọi bức ảnh đăng Snapchat và Instagram.
“Một vài bộ lọc giúp môi tôi trông rất đẹp và thôi thúc tôi hoàn thiện chúng ngoài thực tế”, cô nói. “Tôi thậm chí còn cố cắn môi, soi nó trong gương để cảm thấy đẹp hơn. Trước khi biết tới các ứng dụng chỉnh sửa, tôi chưa bao giờ làm điều đó cả”.
Theo Fardouly, không có giải pháp đơn giản nào để giải quyết những ảnh hưởng tâm lý cho người dùng khi họ sử dụng bộ lọc làm đẹp. Tuy nhiên, các nền tảng xã hội cũng cần làm gì đó để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn.
“Các thuật toán có thể cập nhật để bộ lọc đa dạng hơn và có thể dùng chung cho mọi người. Đối với những bộ lọc cố ý thay đổi cấu trúc khuôn mặt hoặc quảng bá những ý tưởng làm đẹp quá đà, chúng nên bị loại khỏi nền tảng”, Fardouly nêu quan điểm.
Instagram và công ty mẹ Meta đã có động thái hạn chế hiệu ứng họ gọi là “thay đổi khuôn mặt”. Công cụ Spark AR của Instagram vẫn cho phép tải lên bộ lọc làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, nhưng chúng không còn xuất hiện trong danh mục của Thư viện hiệu ứng, mà người dùng sẽ cần tìm kiếm.
“Các hiệu ứng trực tiếp quảng bá phẫu thuật thẩm mỹ không được phép xuất hiện trên Instagram”, phát ngôn viên của nền tảng này nói. “Chúng tôi muốn các hiệu ứng AR trở thành trải nghiệm tích cực và an toàn cho cộng đồng, khuyến khích nhà sáng tạo hướng đến tính năng chia sẻ hiệu ứng nghệ thuật, vui tươi và giả tưởng”.
Snapchat không đưa ra hạn chế cụ thể. Công ty cho biết ứng dụng chỉ tập trung vào tin nhắn riêng tư và từ chối nhận xét trường hợp cụ thể. Tik Tok cũng không bình luận.
Fardouly nhận định, mạng xã hội cũng không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về cái gọi là “tiêu chuẩn sắc đẹp không thể đạt được”. “Đó là bản chất của con người. Nhiều vấn đề trên mạng xã hội cũng xuất phát từ mong muốn và động cơ của người dùng”, Fardouly nói. “Ai cũng luôn muốn thể hiện bản thân một cách tích cực trước người khác, điều đó không có gì mới. Vấn đề chỉ là các nền tảng chưa thực sự cung cấp công cụ để người dùng kiểm soát bản thân”.
Đối với Mia, cô nhận ra mình không còn sống đúng với bản thân kể từ khi dùng TikTok, sau khi nhìn chằm chằm vào khuôn mặt “không hoàn hảo và có phần xa lạ” trong gương.
“Tôi cảm thấy tất cả những tôi đăng lên mạng là dối trá. Nó sẽ còn tiếp diễn nếu tôi còn sử dụng bộ lọc làm đẹp”, Mia nói. “Một ngày nọ, tôi thức dậy và tự nhủ: Nếu tôi tiếp tục đăng gì đó lên mạng, tôi sẽ không dùng bộ lọc làm đẹp nữa”.
Bảo Lâm (theo Guardian)