Giai đoạn khởi chạy mạng chính thức (mainnet) của Pi Network được nhà phát triển dự án công bố hôm 30/12, sau gần ba năm chạy mạng thử nghiệm (testnet). Đây là giai đoạn được giới đào Pi mong chờ với kỳ vọng tiền ảo này có thể sử dụng được như công bố trước đó.
Dự án đã giữ đúng lời hứa chạy mainnet trong năm 2021, nhưng đồng Pi trên ứng dụng điện thoại vẫn không có giá trị và chưa thể trao đổi giữa người dùng với nhau.
“Cái tôi cần là được KYC và có thể trao đổi, chứ không phải mainnet rồi để đó”, người dùng Hà Huy Minh bình luận trên bài viết của Pi Network. Người này cho biết đã chờ dự án hoạt động chính thức từ lâu, nhưng cuối cùng “chẳng thấy gì xảy ra”.
Theo cơ chế mà đội ngũ phát triển Pi công bố, khi vào giai đoạn chính thức, người dùng có thể chuyển số Pi đã “đào” trước đó từ điện thoại lên mạng lưới để trao đổi. Điều kiện cần cho việc này là người dùng cần thực hiện xác minh danh tính (KYC), tức gửi ảnh hộ chiếu lên hệ thống để chứng minh là người dùng thật chứ không phải tài khoản ảo.
Tuy nhiên, đa số người dùng Pi tại Việt Nam và trên thế giới đều chưa KYC. Theo quản trị viên một nhóm “đào” Pi trong nước, Pi Network thực hiện các đợt KYC riêng theo từng quốc gia, mỗi lần chỉ khoảng 100 người, dành cho những người đạt một số điều kiện như khai thác trên 30 phiên, tức vào ứng dụng điểm danh tối thiểu 30 ngày; đã xác minh số điện thoại, tài khoản Facebook. Người mời được nhiều người tham gia sẽ được ưu tiên KYC sớm hơn.
“Việc KYC đang được tiến hành một cách thận trọng nên có thể sẽ hơi chậm, vì vậy phần lớn người dùng chưa thể giao dịch và không thấy sự khác biệt của giai đoạn chính thức với giai đoạn thử nghiệm”, quản trị viên này giải thích.
Tuy nhiên, ngay cả khi KYC thành công, nhiều người vẫn không thể làm bất cứ điều gì với đồng Pi trong tài khoản. “Mọi thứ không khác gì giai đoạn trước. Có thể sẽ phải chờ thêm vài tháng nữa”, Thế Toản, một người “đào” Pi gần hai năm và đã được KYC cho hay. Anh lo ngại với tốc độ triển khai như hiện tại, sẽ rất lâu nữa người dùng Pi mới có thể sử dụng tiền ảo này, khi Pi Network từng công bố đã thu hút gần 30 triệu người dùng trên toàn cầu.
Trong thông báo mới, Pi Network xác nhận điều này. Sách trắng của dự án hôm 30/12 khẳng định ví Pi sẽ hiển thị số dư đồng Pi ở cả mạng thử nghiệm và chính thức, nhưng “số dư của tất cả mọi người trên mainnet đều là 0 ở hiện tại”. Nhóm hứa hẹn tung ra giải pháp KYC và trình xác minh danh tính cho người dùng, nhưng không nêu thời gian cụ thể.
Nhiều tranh cãi xuất hiện trên các cộng đồng Pi tại Việt Nam thời gian gần đây. Nhiều người cho biết họ dần “vỡ mộng” khi Pi Network đã ra đời gần ba năm, có hàng triệu người dùng nhưng Pi vẫn vô giá trị và việc trao đổi vẫn chưa thể thực hiện. Trong khi đó, hầu hết tiền ảo và tiền điện tử hiện nay có thể thực hiện giao dịch ngay khi ra đời.
Ngược lại, người ủng hộ nói Pi Network có cơ chế hoạt động không giống các tiền điện tử khác nên không thể mang ra so sánh. Ngoài ra, dự án có số người tham gia lớn nên cần tiến hành các giai đoạn một cách thận trọng. Động thái của Pi có thể là cách “thanh lọc” người dùng không trung thành. Họ còn tin rằng sau khi chạy chính thức, giá trị mỗi đồng Pi có thể đạt nghìn USD.
Pi Network xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019. Đầu tháng 12, dự án công bố đạt hơn 29 triệu người dùng trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những thị trường có số người “đào” tiền ảo Pi lớn nhất, dù dự án này được đánh giá còn rất “mơ hồ” Giới chuyên gia nhận định dự án không mang lại giá trị, trong khi có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, việc trao đổi hàng hóa bằng tiền ảo như cách Pi Network dự định triển khai thời gian tới cũng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Lưu Quý