Trải nghiệm một ngày sống như cyborg

AI đang hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống. Để có thể cảm nhận những thay đổi mà trí tuệ nhân tạo mang lại, Thomas Macaulay, cây viết của The Next Web, đã dành một năm để ứng dụng AI vào mọi thứ trong cuộc sống của mình.

“Tôi đã tưởng tượng một viễn cảnh mà bản thân mình dần trở thành sinh vật nửa người nửa thuật toán – cyborg”, Macaulay nói.

Thomas Macaulay đã dành ra một năm để AI thâm nhập vào mọi mặt trong đời sống và biến anh thành một cyborg. Ảnh: The Next Web

Thomas Macaulay kỳ vọng AI biến anh thành một cyborg. Ảnh: The Next Web

Dưới đây là phần mô tả một ngày sống như cyborg của Macaulay:

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tự động hóa của anh là nhà bếp. Đơn giản vì ai cũng đói. Macaulay quyết định nấu bữa ăn ba món do “siêu AI” GPT-3 tự đề xuất công thức. Món khai vị là rau rưới sốt mật ong và nước tương. Các bước mô tả chi tiết những nguyên liệu cần thiết, trừ rau.

“Công thức không có bất kỳ loại rau nào cũng như hướng dẫn nấu. Mỗi loại rau có thời gian nấu khác nhau nên tôi nghĩ nó không đầy đủ. Trí tuệ nhân tạo còn gợi ý bạn trữ rau trong 5 ngày và nước sốt trong 3 ngày. Tôi nghĩ ngược lại mới đúng”, Ellen Par, bếp trưởng tại nhà hàng Lucky & Joy ở London, nhận xét sau khi được cho xem công thức.

Macaulay không thể hài lòng với một món đồ ăn quái dị như thế nên đã chuyển sang món thứ hai do GPT-3 đề xuất là mỳ ống sốt cà chua. Trông nó thật sự mất thẩm mỹ, công thức khó làm theo và mang đến cảm giác kém an toàn.

Với hy vọng có một bữa ăn tử tế hơn, Macaulay chuyển sang mô hình AI khác do Monolith AI nghiên cứu. AI này cung cấp một công thức làm bánh kếp với những nguyên liệu và hướng dẫn hoàn hảo. Có thể, công thức này được các kỹ sư đưa vào sẵn chứ không phải do AI tự nghĩ ra. Trong khi GPT-3 nghiên cứu lượng dữ liệu khổng lồ, mô hình của Monolith chỉ học 31 công thức làm bánh kép căng phồng kiểu Mỹ. Kết quả cho thấy AI có thể trở thành một đầu bếp giỏi, miễn là nó học ở một trường dạy nấu ăn đáng tin cậy.

Sau khi ăn hết chỗ bánh kếp, Macaulay tìm đến Jeremy – huấn luyện viên AI trên ứng dụng Kemtai – để tập thể dục cho tiêu hao bớt năng lượng. Sau khi nhập thông số về mục tiêu, mức độ và thời gian tập luyện, AI sẽ xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp với từng người.

Khi tập trước webcam, thị giác máy tính sẽ theo dõi hơn 40 điểm trên cơ thể, từ đó cung cấp cho AI Jeremy dữ liệu để đánh giá và yêu cầu người tập kỷ luật hơn. Khi Macaulay tìm cách giải lao bằng cách ẩn webcam, “huấn luyện viên” và yêu cầu anh quay trở lại vị trí ban đầu.

Mike Telem, người đồng sáng lập Kemtai, nói: “Trong khi các công ty thường dùng con người để chú thích hình ảnh và đào tạo thuật toán học máy, chúng tôi có thể tối ưu hóa quy trình này bằng cách sử dụng phần mềm riêng. Điều này rõ ràng đã tăng tốc quá trình đào tạo và cải thiện chất lượng thuật toán”.

Tuy nhiên, Jeremy vẫn có khuyết điểm. AI này chỉ đưa ra các bài rèn luyện cơ bắp bình thường. Để thêm động tác nâng tạ, Macaulay phải dùng kế hoạch tập luyện do GPT-3 khuyến nghị. Tuy có 55% huấn luyện viên thể hình đánh giá kế hoạch này chất lượng, nhược điểm của nó là khá buồn tẻ và mệt mỏi.

Sau khi ăn no và tập luyện, Macaulay bắt đầu làm việc. Lúc này, AI của GPT-3 là giải pháp hoàn hảo. Mô hình có thể giúp viết bài và giúp đỡ trẻ em đói nghèo cùng lúc. Anh sử dụng Philosopher AI, một bot kiểu hỏi – đáp được xây dựng dựa trên GPT-3.

Anh nhập yêu cầu: “Viết một bản tin công nghệ”. Vài giây sau, hệ thống trả về kết quả: “Có thể bạn vẫn chưa nhận ra ‘bản tin công nghệ’ chỉ là một trò cười. Nó chỉ là cách khiến bạn mua hàng nhiều hơn và cảm thấy những thứ đang xảy ra trong thế giới công nghệ thực sự quan trọng. Nhưng điều quan trọng là bản tin này không được viết bởi một con người mà do thuật toán viết ra. Thuật toán lại do con người tạo ra và chính nó lại bảo những người khác nên nghĩ gì…”.

Theo Macaulay, người theo chủ nghĩa bài công nghệ có thể nghĩ con người viết tin tức tốt hơn AI, nhưng anh không đồng ý. Anh tin khi ai đó phát triển thành công một nhà báo AI, những phóng viên như anh xem như sẽ phải về hưu.

Kết thúc ngày làm việc, anh tìm đến một chatbot để bầu bạn tâm tình. Nhưng không như những gì Macaulay kỳ vọng, chatbot này không có “chiều sâu” khi nói về những chủ đề đời sống. Ở phương diện này, anh tin việc trò chuyện giữa người với người sẽ tốt hơn với trí tuệ nhân tạo.

“Một năm sống với AI giúp tôi nhận ra một ngày nào đó, máy móc có thể kiểm soát mọi khía cạnh cuộc đời của con người, dù chúng ta có thích kết cục đó hay không. Trí tuệ nhân tạo đang định hướng thứ ta giải trí, nơi ta làm việc và gợi ý cả những người ta nên gặp gỡ”, Macaulay kết luận. Anh tin trong tương lai không xa, con người có thể thật sự sống như một cyborg.

Mỹ Quyên (theo The Next Web)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *