Sony ra TV QD-OLED 4K đầu tiên trên thế giới

Trước đó, một số nguồn tin cho biết Samsung sẽ giới thiệu TV QD-OLED đầu tiên tại triển lãm CES 2022, diễn ra từ hôm nay tại Las Vegas. Tuy nhiên, Sony đã vượt hãng điện tử Hàn Quốc khi trình làng mẫu Bravia XR A95K cao cấp. Model này dùng tấm nền chấm lượng tử QD-OLED (quantum dot OLED) với hai kích thước 55 inch và 65 inch cùng độ phân giải 4K.

Sony Bravia XR A95K là TV sử dụng tấm nền QD-OLED đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Sony

Sony Bravia XR A95K là TV sử dụng tấm nền QD-OLED đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Sony

TV mới có thiết kế độc đáo với hệ thống quản lý cáp kết nối tích hợp, tăng tính thẩm mỹ. Chân đế cho phép bố trí thiết bị ở nhiều vị trí khác nhau. Sản phẩm có bốn cổng HDMI, hỗ trợ chơi game 4K 120 Hz, HDR khi kết nối với PS5.

Sony sử dụng hệ điều hành Google TV cho dòng TV 2022 cùng các công nghệ độc quyền như XR OLED Contrast Pro, XR Triluminos Max Acoustic Surface Audio Plus. Hãng cho biết sẽ vẫn cho ra mắt TV sử dụng màn hình OLED từ LG Display trên các model dòng thấp hơn là Bravia A90K và A80K.

Tấm nền QD-OLED được Samsung Display phát triển trong nhiều năm với mục tiêu chuyển tiếp giữa màn hình OLED tiêu chuẩn và MicroLED mà hiện chỉ có Samsung đang kinh doanh. QD-OLED kết hợp những ưu điểm của OLED như màu đen sâu, độ tương phản vô hạn… với lợi thế của LED chấm lượng tử, như tái tạo màu sắc sống động hơn ở mức độ sáng cao hơn.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa Samsung QD-OLED và LG OLED là cách tạo hình ảnh. Màn hình LG được coi là WRGB OLED vì dùng diode xanh lam và vàng để tạo các điểm ảnh ánh sáng trắng truyền qua các bộ lọc màu, từ đó sinh ra các điểm ảnh phụ màu đỏ, xanh lục và xanh lam. Các mẫu TV OLED gần đây bổ sung các điểm ảnh phụ màu trắng nhằm tăng cường độ sáng, đặc biệt là đối với nội dung HDR.

Trong khi đó, với QD-OLED, màn hình phát ra ánh sáng xanh dương thông qua chấm lượng tử để chuyển thành màu đỏ và xanh lục mà không cần bộ lọc màu, nhờ đó hiệu quả sử dụng năng lượng ánh sáng lớn hơn. Điều này giúp TV QD-OLED có độ sáng cao hơn so với OLED thế hệ trước. QD-OLED cũng có thể duy trì khả năng tái tạo màu sống động ngay cả ở mức độ sáng cao nhất, trong khi WRGB OLED đôi khi có thể thể hiện một số hiện tượng bão hòa khi tăng sáng tối đa.

Cấu tạo đơn giản của màn hình QD-OLED. Ảnh: Samsung Displays.

Cấu tạo đơn giản của màn hình QD-OLED. Ảnh: Samsung Displays

Trên TV mới ra mắt, Sony cho biết QD-OLED tăng độ sáng và màu sắc lên đến 200% so với TV thông thường. Góc nhìn vốn là điểm mạnh của OLED được cho là sẽ còn tốt hơn nữa trên QD-OLED.

Màn hình QD-OLED vẫn không loại bỏ được khả năng bị burn in (lưu hình), nhưng những TV sử dụng tấm nền này có thể sẽ có tuổi thọ lâu hơn so với TV OLED hiện tại vì các pixel không hoạt động mạnh. Samsung Display đang sử dụng ba lớp vật liệu OLED xanh lam cho mỗi điểm ảnh, giúp duy trì tuổi thọ của chúng.

Huy Đức (theo The Verge)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *