“Những người sống trong ký túc xá luôn mắc bệnh này hoặc bệnh khác, như dị ứng da, đau ngực, ngộ độc thực phẩm”, một công nhân đã nghỉ việc tại nhà máy nói với Reuters. “Chúng tôi không muốn làm to chuyện vì nghĩ mọi thứ sẽ được khắc phục. Nhưng bây giờ, nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều người”.
Nhà máy Foxconn tại Ấn Độ hiện đảm nhiệm việc sản xuất iPhone với quy mô 17.000 công nhân, hơn 1.000 dây chuyền sản xuất.
Một số công nhân cho biết điều kiện sống trong các ký túc xá của nhà máy tồi tệ đến mức “không thể tin được” và liên tục ghi nhận ca bệnh liên quan đến thực phẩm, nhưng mỗi vụ ngộ độc chỉ ảnh hưởng 1-2 người.
Ngày 17/12/2021, một cuộc đình công lớn đã diễn ra sau khi có tới 250 công nhân cùng ngộ độc sau bữa ăn xuất hiện giòi, sán.
Reuters đã phỏng vấn sáu nữ công nhân tham gia biểu tình. Năm người cho biết họ phải ngủ trên sàn nhà trong các căn phòng thiếu nhiều tiện ích tối thiểu. Mỗi phòng có từ 6 đến 30 người, nhiều trong số đó có nhà vệ sinh nhưng lại không có nước xả. Luật Ấn Độ quy định công nhân phải được cung cấp không gian sống tối thiểu 11 m2 mỗi người và có quy chuẩn về vệ sinh, an toàn cháy nổ trong ký túc xá. Tuy nhiên, các điều kiện này không đạt ở Foxconn.
Jegadish Chandra Bose, thành viên trong đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm tại ký túc xá, cho biết nhà bếp ở đây có chuột và hệ thống thoát nước kém, trong khi “các mẫu thực phẩm được phân tích không đạt chuẩn an toàn cần thiết”.
Apple và Foxconn thừa nhận một số ký túc xá và phòng ăn dành cho công nhân không đáp ứng tiêu chuẩn bắt buộc. Người phát ngôn của Apple khẳng định họ đang “làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo các hành động khắc phục phải được diễn ra nhanh chóng”.
Foxconn lý giải với quan chức địa phương rằng công ty không kịp thực hiện vì “việc tăng cường sản xuất diễn ra quá nhanh”. Ban lãnh đạo hứa sẽ đáp ứng các yêu cầu pháp lý và tuân theo khuyến nghị của chính phủ trong thời gian ngắn.
Sau cuộc biểu tình vì ngộ độc thực phẩm, nhà máy Foxconn ở Sriperumbudur, miền nam Ấn Độ, cũng bị đóng cửa trong ít nhất 10 ngày. Họ chỉ được phép mở lại các dây chuyền sản xuất khi đáp ứng được điều kiện của nhà chức trách địa phương. Apple cũng thông báo với Foxconn rằng nhà máy bị đặt dưới chế độ “quản chế”.
Đây không phải lần đầu Apple gặp rắc rối với đối tác Ấn Độ. Tháng 12/2020, hàng nghìn công nhân nhà máy Wistron đã phá hủy thiết bị, phương tiện vì vấn đề tiền lương, gây thiệt hại ước tính 60 triệu USD. Đầu năm 2021, nhà máy đã hoạt động trở lại.
Hoài Anh (theo Reuters)