Nguồn cung nhân công có trình độ ngày càng cạn kiệt là vấn đề gây lo ngại từ nhiều năm. Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo trong ngành, mối lo giờ nhân lên gấp bội do nhu cầu chip tăng vọt ở nhiều lĩnh vực, cũng như cuộc chạy đua giữa chính phủ các nước nhằm tăng cường tự chủ năng lực bán dẫn.
Các nhà sản xuất chip có lợi thế vì hầu hết quy trình đều tự động hóa, nhưng để vận hành những thiết bị công nghệ cao lại đòi hỏi đội ngũ nhân viên có tay nghề cao.
“Chúng tôi chắc chắn đang trong một cuộc chiến tranh giành nhân tài”, Jim Koonmen, Phó chủ tịch ASML Holding của Hà Lan, nói.
Nhân tài ở đây là kỹ sư vận hành hệ thống, đội ngũ kỹ thuật viên giám sát và quản lý quá trình sản xuất, cùng các nhà khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu các loại chip mới và cách chế tạo chúng.
“Đối với toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn, các kỹ năng cần được phát triển từ mọi nơi, từ người hỗ trợ xây dựng nhà máy cho đến nhà nghiên cứu có chuyên môn cao nhất”, Ann Kelleher, Phó chủ tịch Intel, cho biết hồi năm ngoái.
Intel đã cam kết đầu tư hơn 100 tỷ USD vào các nhà máy chip trong những năm tới tại Mỹ và châu Âu. Tương tự, những công ty như TSMC của Đài Loan hay Samsung của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở rộng quy mô của mình.
Riêng tại Mỹ, theo thống kê của công ty quản lý nhân sự Eightfold.ai, lĩnh vực bán dẫn ở nước này cần 70.000-90.000 công nhân trở lên trong giai đoạn 2020-2025, nâng tổng số nhân công trong mảng bán dẫn lên 300.000. Đây được xem là tham vọng giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Tại Đài Loan, thời gian mỗi đợt tuyển dụng nhân công mới cho mảng bán dẫn đang ở mức cao nhất trong 6 năm, theo 104 Job Bank. Báo cáo hồi tháng 8/2021 cho thấy, sự thiếu hụt trung bình mỗi tháng đối với công nhân bán dẫn là khoảng 27.700 người, tăng 44% so với năm trước. Mức lương trung bình trong ngành sản xuất chip cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
“Vấn đề thiếu hụt nhân tài ngày càng trở nên trầm trọng hơn, chủ yếu là do nhu cầu thị trường chip tăng”, Yao-Wen Chang, trưởng khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính của Đại học Đài Loan, nhận xét. “Tôi không lạc quan rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này triệt để trong tương lai”.
Tại ASML, ông Koonmen cho biết nhu cầu nhân sự của công ty dự kiến tăng 10% hoặc hơn mỗi năm nhằm theo kịp sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn toàn cầu. Để thu hút nhân lực, hãng đang đẩy mạnh bằng nhiều kênh, chẳng hạn tăng cường quan hệ với các trường đại học, cũng như có chính sách hấp dẫn về lương thưởng để tuyển dụng.
David Reeder, Giám đốc tài chính GlobalFoundries, cũng cho rằng thị trường nhân lực bán dẫn đang ở mức cạnh tranh nhất và sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất vài năm tới.
Một số giảng viên tại các trường kỹ thuật tại Mỹ thừa nhận, sinh viên ngày nay quan tâm hơn đến lĩnh vực phần mềm hoặc Internet thay vì bán dẫn. Theo giáo sư Santosh Kurinec của Học viện Công nghệ Rochester, số lượng sinh viên đăng ký chương trình kỹ thuật của trường giảm dần đều, từ 50 vào giữa những năm 1980 xuống còn khoảng 10 hiện tại. “Đa số muốn tạo ứng dụng cho Google và Facebook hơn”, ông nói.
Ở Đài Loan, việc thiếu kỹ sư có tay nghề cao có thể làm lệch hướng nỗ lực đi đầu trong công nghệ tiên tiến, bởi nghiên cứu chất bán dẫn ngày càng phức tạp. Terry Tsao, Giám đốc marketing toàn cầu của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn SEMI, cho biết: “Chúng tôi cần nhiều bằng tiến sĩ hơn nữa để tham gia nghiên cứu những tiến bộ tiếp theo cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Trong cơn sốt thu hút nhân tài bán dẫn, các chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng. Năm ngoái, một số công ty chip Mỹ đã vận động các nhà lập pháp cho phép họ thuê nhân lực từ nước ngoài trong bối cảnh sinh viên Mỹ ở mảng này ngày một giảm. Vào tháng 5/2021, Đài Loan thông qua luật thúc đẩy đổi mới và giáo dục trong lĩnh vực công nghệ cao, ưu tiên phê duyệt cho các đại học, cao đẳng có chuyên ngành bán dẫn hợp tác với các công ty như TSMC.
Trung Quốc cũng thành lập các trường nghiên cứu và trung tâm đào tạo chuyên biệt về chất bán dẫn. Đây được xem như một phần của nỗ lực thúc đẩy khả năng tự chủ công nghệ tiên tiến của nước này, bao gồm chip và AI. Đã có 12 đại học tại Trung Quốc thành lập trường cao đẳng tập trung vào chip từ cuối 2020, gồm các học viện uy tín nhất như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Ivan Platonov, CEO công nghệ EqualOcean tại Bắc Kinh, ước tính lực lượng lao động bán dẫn của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn thiếu khoảng 250.000 kỹ sư trong 2020.
Bảo Lâm (theo WSJ)