Theo đại diện Oppo, 5G sẽ thay đổi lối sống của tất cả người dùng trong tương lai. Khi phạm vi phủ sóng và dung lượng đường truyền được mở rộng, cả thế giới sẽ chứng kiến các ứng dụng mới của 5G trong nhiều lĩnh vực, mang đến những trải nghiệm bất ngờ.
Được biết đến là hãng sản xuất điện thoại di động, song Oppo đã mở rộng danh mục đầu tư công nghệ của mình để nắm bắt, tham gia vào quá trình phát triển tiêu chuẩn 5G toàn cầu cũng như triển khai các thiết bị 5G mới. Theo Oppo, đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) là trụ cột của hãng, Oppo đã đầu tư 7 tỷ USD trong vòng ba năm để phát triển các công nghệ tiên tiến và tạo ra các sản phẩm vượt trội. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào ba hạng mục công nghệ có thể góp phần thay đổi thế giới, bao gồm sạc nhanh, 5G và IoT”, đại diện Oppo khẳng định.
Sạc nhanh
Theo đại diện Oppo, bước vào kỷ nguyên 5G, các nhu cầu sử dụng smartphone tăng cao. Những phương thức kết nối và tác vụ mới sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng pin của smartphone. Để tối ưu hoá trải nghiệm và không làm gián đoạn người dùng, phát triển sạc nhanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng smartphone, trong đó có Oppo.
Công nghệ sạc nhanh VOOC của Oppo ra mắt năm 2014. Theo Oppo, tính đến nay, đã có hơn 30 mẫu smartphone tích hợp công nghệ VOOC, mang lại trải nghiệm sạc nhanh cho hơn 175 triệu người dùng trên toàn cầu.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Oppo đánh dấu kỷ nguyên mới trong công nghệ sạc di động khi chính thức khởi động dự án sáng kiến về công nghệ sạc nhanh “The Flash Initiative”, đưa công nghệ sạc VOOC đến với các nhà sản xuất trong lĩnh vực như xe hơi, sản phẩm phụ kiện và bán dẫn. Dự án này được công bố tại sự kiện MWC Thượng Hải 2021.
Cụ thể, Oppo sẽ hợp tác và ủy quyền cho các đối tác FAW-Volkswagen trong lĩnh vực ôtô, bộ sạc di động Anker và sản xuất chip NXP Semiconductors để đưa công nghệ sạc VOOC vào từng lĩnh vực. Mỗi đối tác sẽ làm việc với các thiết kế kỹ thuật độc quyền do Oppo phát triển, cam kết sử dụng công nghệ sạc nhanh VOOC của Oppo. Sản phẩm của những hãng này sẽ tiếp cận người tiêu dùng ở ba môi trường: nhà riêng, ô tô và không gian công cộng – những nơi người dùng thường xuyên phải sạc thiết bị.
Tại MWC Thượng Hải 2021, ông Adler Feng – Giám đốc cấp cao về Sở hữu trí tuệ của Oppo cho biết, dự án “The Flash Initiative” thể hiện triết lý của hãng lấy con người làm trung tâm công nghệ, tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống. “Nhờ sự giúp sức của các đối tác mới, những công nghệ độc quyền của chúng tôi có thể tiếp cận đến nhiều người dùng hơn bao giờ hết. Đây là một bước quan trọng trong việc giải phóng giới hạn của người dùng để sử dụng thiết bị theo cách họ muốn, bất kể họ đang làm gì hoặc đang ở đâu trên thế giới”, ông Adler Feng nhấn mạnh.
Theo đại diện Oppo, thực tế cho đến nay, Oppo đã cấp phép bằng sáng chế cho khoảng 40 công ty. Vị này hy vọng công nghệ sạc nhanh có thể giải phóng người dùng khỏi những lo lắng về sạc, giúp họ sử dụng thiết bị bất cứ khi nào và bằng phương thức nào họ muốn. Cùng với đó, Oppo đã làm việc với Phòng thí nghiệm chứng nhận công nghệ CTTL để xây dựng bộ tài liệu kỹ thuật nhằm chia sẻ thông tin giá trị về công nghệ sạc nhanh, thiết bị và độ an toàn cho người dùng. CTTL cũng sẽ kiểm tra và chứng nhận tất cả các sản phẩm của đối tác có sử dụng công nghệ sạc nhanh VOOC của Oppo.
Mới đây, Oppo còn ra mắt bộ sạc Mini SuperVOOC 50W nhỏ gọn (dày 10,05 mm và dài 82,2 mm), có thể sạc được smartphone, máy tính bảng, laptop. Trong khi đó, bộ sạc không dây AirVOOC 65W của Oppo có thể sạc đầy viên pin 4.000 mAh trong 30 phút, thiết bị sạc nhanh 125W có thể sạc trong 20 phút. Các sản phẩm đều sử dụng sạc điện áp thấp, cấu trúc pin kép, nhiều bơm sạc và cảm biến nhiệt độ tự động điều chỉnh điện áp và tản nhiệt.
Công nghệ 5G
5G là nền tảng kết nối được thiết kế để hỗ trợ tốt nhất cho Internet Vạn Vật (IoT), giúp mang đến tốc độ tải nhanh hơn, độ trễ thấp, dung lượng tải lớn, kết nối nhiều thiết bị cùng lúc, đem lại tính ứng dụng linh hoạt và tiềm năng khổng lồ. Ông Văn Bá Luýt – Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam từng chia sẻ 5G sẽ là một trong những chiến lược trọng điểm của Oppo trong năm 2021.
Cho đến nay, hãng đã đăng ký hơn 2.500 nhóm bằng sáng chế chỉ trong lĩnh vực 5G. Cùng với đó, Oppo cũng nộp hơn 1.000 nhóm bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G cho Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI – European Telecommunications Standards Initiative). Oppo liên tục thực hiện các thử nghiệm mới với đối tác như thử nghiệm cuộc gọi dữ liệu và thoại 5G độc lập gần đây với Ericsson và Swisscom hoặc thử nghiệm cắt mạng 5G SA với Đại học Coventry, Vodafone và Ericsson.
“Cú hích” lớn nhất của Oppo đối với 5G là khi hãng khởi động dự án “5G Landing” vào đầu năm 2019, nhằm hợp tác với các nhà mạng viễn thông để tăng tốc độ khả dụng của 5G trên toàn cầu. Theo đó, Oppo hợp tác với nhiều nhà khai thác mạng trên khắp thế giới như China Telecom, Orange, Vodafone, Deutsche Telekom, China Mobile, Telefonica và Telce…
Cũng trong năm 2019, Reno 5G trở thành smartphone thương mại đầu tiên của Oppo tại châu Âu, sau đó là các thị trường lớn như Australia, Anh… Smartphone 5G của Oppo còn tham gia vào các thử nghiệm 5G tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 5/2019, trong một thử nghiệm của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel và Tập đoàn Ericsson, Reno 5G là smartphone duy nhất đã kết nối thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam.
IoT
Oppo hứa hẹn sẽ mang những lợi ích của 5G đến ngôi nhà thông minh, văn phòng và không gian công cộng thông qua các thiết bị của hãng khi 5G được phổ cập đến nhiều người hơn. Theo đại diện Oppo, các công nghệ mới bắt nguồn từ việc kết hợp 5G và IoT gần như vô tận, từ trò chơi điện tử đám mây không yêu cầu bảng điều khiển đến quản lý năng lượng tại nhà, giao tiếp video không giới hạn và lưu trữ dữ liệu ảo… Bằng cách kết nối các thiết bị trong nhà và nơi làm việc, IoT giúp mở ra nhiều phương thức giao tiếp, giúp người dùng tận hưởng bản thân, làm việc hiệu quả và có cuộc sống trọn vẹn.
Để hiện thực hóa cam kết này, Oppo đã phát triển đơn vị CPE Omni, giúp biến tín hiệu di động 5G thành Wifi tốc độ cao, hỗ trợ các thiết bị IoT. Cụ thể, khi người dùng cắm thẻ SIM 5G vào chiếc CPE với kích thước nhỏ gọn, thiết bị sẽ chuyển đổi tín hiệu di động 5G thành kết nối Wifi ổn định, cho phép người dùng tận hưởng những lợi ích của 5G trong nhà hoặc tại văn phòng.
Hệ thống O-Reserve 5G Antenna sử dụng phổ tần 5G Sub-6GHz, tự động chọn bốn trong số tám ăng ten tại một thời điểm để có được tín hiệu tốt nhất có thể. Đồng thời, O-Motion 5G Antenna có thể tự xoay 360 độ để hai ăng ten có thể nhận tín hiệu mmWave tối ưu. Hai hệ thống này hoạt động hài hòa, được hỗ trợ bởi modem Snapdragon X55 của Qualcomm, với con chip mạnh, sử dụng cả hai phổ 5G cho tín hiệu mạnh và đáng tin cậy.
Sự kết hợp của 5G và IoT còn hỗ trợ chơi game không giới hạn, quản lý năng lượng thông minh, thực hiện các cuộc họp trực tuyến suôn sẻ và không có áp lực về cạnh tranh băng thông… Bên cạnh đó, Oppo còn đẩy mạnh các dòng sản phẩm 5G khác như trạm phát 5G CPE, kính thực tế ảo Oppo AR Glass bên cạnh smartphone 5G.
Đồng thời, Oppo hợp tác với các đối tác Qualcomm và Ericsson để chạy thử nghiệm 5G mmWave nhằm đảm bảo đạt được tốc độ 5G là 4,06 Gbps, kết hợp với Keysight Technologies để hoàn thiện các thiết kế 5G của mình. Để đạt được tham vọng, Oppo tiếp tục đầu tư vào R&D và xây dựng sự hợp tác với những nhà sáng tạo tốt nhất, kỳ vọng giúp người dùng không còn phải lo lắng về lưu trữ dữ liệu, kết nối trong tương lai. Oppo cũng xây dựng mạng lưới đối tác và cộng tác viên để đảm bảo những cải tiến của mình tiếp cận nhiều người nhất có thể.
“Sự đổi mới và hướng đến con người là hai sức mạnh định hướng giúp Oppo thúc đẩy các công nghệ phát triển, mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho người dùng”, đại diện Oppo khẳng định.
Hà Thanh (Ảnh: Oppo)