Theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, quỹ đầu tư công nghệ Hubble của Huawei hiện hỗ trợ 56 công ty bán dẫn tại Trung Quốc kể từ khi ra mắt năm 2019. Gần một nửa trong đó được thực hiện chỉ trong vòng 6 tháng qua.
Việc tăng tốc đầu tư của Hubble diễn ra khi Huawei ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các lệnh cấm của Mỹ ở lĩnh vực bán dẫn. Hãng không thể tiếp cận những sản phẩm chip hàng đầu hiện nay ở lĩnh vực smartphone, cũng như bị hạn chế trong mảng viễn thông 5G. HiSilicon – công ty con chuyên thiết kế chip của Huawei – cũng gần như bị tê liệt. Tháng trước, hãng thừa nhận các hạn chế từ Mỹ khiến doanh thu năm 2021 giảm gần 1/3 so với 2020.
Dữ liệu của PitchBook và số liệu trong hồ sơ công khai cho thấy, phần lớn các công ty được Hubble đầu tư đều tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong đó có các doanh nghiệp mới về sản xuất và thiết kế chip, công ty sản xuất vật liệu bán dẫn, phần mềm thiết kế và thiết bị sản xuất chip.
Theo các nhà phân tích, quỹ Hubble cho phép Huawei “nuôi dưỡng” các nhà cung cấp tiềm năng, đồng thời mang lại lợi nhuận tài chính trong tương lai khi lĩnh vực chip của Trung Quốc phát triển bùng nổ.
“Chuỗi cung ứng bán dẫn về cơ bản rất sâu rộng. Khi Huawei đầu tư vào một công ty chip, họ có thể nhận được nguồn cung ưu tiên trong tương lai. Vấn đề trở nên ý nghĩa nếu tình trạng thiếu hụt diễn ra”, Hui He, đứng đầu bộ phận nghiên cứu chất bán dẫn Trung Quốc của Omdia, nhận xét.
Tháng 8 năm ngoái, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm của Mỹ. Ông nhấn mạnh công ty cần nhiều “đột phá lý thuyết” hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và khoa học vật liệu. “Nhật Bản và Mỹ hiện dẫn đầu lĩnh vực này. Chúng tôi cần tận dụng các nền tảng mang tính toàn cầu để tạo dựng thành công cho riêng mình”, ông Nhậm nói.
Chính phủ Trung Quốc coi việc tự chủ bán dẫn là ưu tiên quốc gia trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung khiến nhiều công ty nước này bị cắt đứt với công nghệ Mỹ. Dù vậy, đa số nỗ lực về sản xuất chip đã thất bại. Theo WSJ, có ít nhất sáu dự án chế tạo chip lớn của Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động trong ba năm qua, nguyên nhân chính là công nghệ chưa đủ và chi phí cho nghiên cứu, sản xuất chip cao cấp quá cao.
Theo giới phân tích, thực tế, số tiền Huawei đầu tư không lớn so với quy mô của ngành công nghiệp chip. Tuy vậy, sự bùng nổ của các công ty chip Trung Quốc giúp những quỹ như Hubble có cơ hội thâm nhập vào chuỗi cung ứng và chuẩn bị cho tương lai.
Ví dụ tháng trước, quý này đầu tư vào Jingtuo Semiconductor Technology – công ty làm nhiệm vụ giữ sạch các thành phần chip trong quá trình sản xuất. Vào tháng 8/2021, Hubble thông báo nắm giữ cổ phần trị giá 46 triệu USD tại B&C Chemical – công ty chuyên sản xuất vật liệu bán dẫn. Trước đó hai tháng, quỹ rót 1,5 triệu USD vào RSLaser Opto-Electronics, chuyên về sản xuất laser công suất cao.
Huawei từng dành nhiều năm và chi hàng tỷ USD đầu tư, nghiên cứu chip thông qua công ty con HiSilicon. Chip di động và máy chủ của công ty được giới phân tích trong ngành đánh giá là nằm trong số những sản phẩm tiên tiến nhất thế giới.
Tuy vậy, HiSilicon chỉ đảm nhiệm thiết kế, trong khi việc chế tạo phụ thuộc vào các công ty như TSMC, do các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc chưa đủ năng lực công nghệ. Khi TSMC và nhiều công ty gia công chip bị Mỹ cấm giao dịch với Huawei, HiSilicon lập tức gặp khó khăn.
Họ vẫn duy trì sản xuất chip, nhưng không có công nghệ Mỹ. Công ty khẳng định không sa thải bất kỳ kỹ sư nào, đồng thời đang thiết kế các sản phẩm thế hệ tiếp theo. “Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình”, Catherine Chen, người đứng đầu các vấn đề cộng đồng của Huawei, cho biết vào tháng 6/2021. “Chúng tôi tin khó khăn sẽ được khắc phục trong 2-3 năm tới”.
Bảo Lâm (theo WSJ)