Vũ khí AI đang hình thành
2021 được đánh giá là năm khá bận rộn của các hệ thống quân sự trong việc thử nghiệm vũ khí ứng dụng AI. Giữa 2020, phi công tiêm kích F-16 hàng đầu của Mỹ thua trắng trong cuộc đấu không chiến mô phỏng với trí tuệ nhân tạo mang tên Alpha Dogfight do Lầu Năm Góc tổ chức.
Đến tháng 3, Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc lên kế hoạch thử nghiệm AI trên máy bay chiến đấu trong thế giới thực.
Hồi tháng 4, Spot, chó robot do công ty Boston Dynamics chế tạo, xuất hiện cùng các binh sĩ trong nhiệm vụ tập huấn của quân đội Pháp, như tấn công một thực thể tại ngã tư, do thám thông qua hệ thống camera và cảm biến trên thân. Tuy vậy, trong một cuộc tập trận, nó đã “chết” do hết pin.
Các chuyên gia lo ngại, robot và hệ thống AI phục vụ quân sự có thể xuất hiện ngày một nhiều hơn trong tương lai gần. Viễn cảnh “Slaughterbot” – trong đó drone hoặc robot sử dụng công nghệ AI và nhận dạng khuôn mặt để ám sát ai đó dựa trên những thông tin được lập trình trước – có thể xảy ra, trừ khi các tổ chức như Liên Hợp quốc cấm chúng.
Bước tiến mới của siêu AI GPT-3
GPT-3 là AI được nhiều người biết đến khi biết cách vận dụng ngôn ngữ con người, tạo văn bản và phản hồi trôi chảy bằng tiếng Anh. Trong khi những trợ lý ảo như Siri hoặc Alexa cũng nắm bắt và tái tạo tiếng Anh tốt, GPT-3 tiên tiến hơn, có thể bắt chước nhiều phong cách viết chỉ bằng một click chuột.
Trong năm nay, GPT-3 đã có một số thành tựu gây ngạc nhiên, như tự viết văn, vẽ hình ảnh từ văn bản, hoặc được ứng dụng để “hồi sinh” vị hôn thê quá cố.
Thực tế, AI này rất giỏi trong việc bắt chước con người, đến nỗi công ty thiết kế nó là OpenAI – do Elon Musk đồng sáng lập – được cho là đã giữ kín phần lớn khả năng của GPT-3 do lo ngại về an toàn. Ban đầu, công ty trì hoãn phát hành GPT-2, trong khi quyền truy cập vào phiên bản GPT-3 nâng cao cũng bị giới hạn trong nhóm thử nghiệm. Dù bị lo ngại, AI này hồi năm 2020 khẳng định nó “sẽ không tiêu diệt loài người“.
Biến bất kỳ ai thành ngôi sao nhạc rap
Trong năm qua, AI được vận dụng khá nhiều cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Trong đó, nổi tiếng nhất là Uberduck – công cụ cho phép người dùng chọn giọng nói của người nổi tiếng, sau đó nhập văn bản vào để họ có thể đọc hoặc hát rap.
Nhóm phát triển Uberduck cho biết, công cụ sử dụng chatbox để nhập văn bản, tương tác qua WebRTC để xử lý âm thanh theo thời gian thực mà không cần cài plug-in hay phần mềm hỗ trợ. Phần âm thanh được AI biến đổi sao cho giống giọng nói hoặc cách hát rap của một nghệ sĩ nào đó được chỉ định.
Uberduck nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội, nhất là TikTok. Mike Shinoda, thành viên nhóm nhạc Linkin Park, cũng đã thử và khen ngợi công cụ này. Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại nó có thể bị lợi dụng để làm sai lệch thông tin và phỉ báng.
Điện toán lượng tử dựa trên AI lên ngôi
Trong năm qua, một số hệ thống máy tính lượng tử dựa trên công nghệ AI đã ra đời với mục tiêu giải quyết các vấn đề về tương lai của trái đất. Với khả năng tính toán cực nhanh, máy tính lượng tử có thể rút ngắn quá trình nghiên cứu từ vài chục năm xuống chỉ còn khoảng vài tháng, thậm chí vài ngày.
Một số cỗ máy đã bắt đầu chạy quá trình nghiên cứu thuốc, thực phẩm để giải quyết nạn đói tại quốc gia nghèo. Ngoài ra, những hệ thống tương tự cũng đang tính toán để tăng tuổi thọ của con người, tìm kiếm và dự đoán các nguy cơ bệnh tật mới trong tương lai để tìm cách đối phó.
Hỗ trợ người tàn tật
Với sự tiến bộ công nghệ, AI có thể giúp người tàn tật sử dụng các kỹ năng mà họ gặp khiếm khuyết. Chẳng hạn, vào tháng 7, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco (UCSF) xây dựng thành công hệ thống hỗ trợ người bị bại não có thể nói những từ cơ bản.
Cụ thể, các nhà khoa học UCSF sử dụng hệ thống nối giữa thiết chụp đầu, thiết bị kẹp ngón tay và màn hình máy tính sử dụng AI để phân tích tín hiệu thần kinh và ghi nhận nội dung.
Sau gần một năm nỗ lực, nhóm đã đạt thành tựu bước đầu. Khi nhóm hỏi người bệnh “Hôm nay anh thế nào”, câu trả lời “Tôi rất tốt” xuất hiện trên màn hình.
Theo Giáo sư Edward Chang của UCSF, nhóm sẽ hoàn thiện hệ thống tương tác để người bệnh có thể trả lời nhiều câu hỏi với độ hoàn chỉnh và sự phức tạp cao hơn. Ông Chang tin rằng phương pháp mới có thể giúp khôi phục khả năng giao tiếp hoàn toàn cho hàng nghìn người mất khả năng nói mỗi năm.
Bảo Lâm (theo The Next Web)