Hai nghệ sĩ Brian Moore và Mike Lacher đang là tâm điểm của cộng đồng NFT khi công bố tác phẩm “Non-Fungible Olive Gardens” cuối năm 2021. Bộ sưu tập gồm các hình ảnh của nhà hàng Olive Garden được mã hóa. Theo mô tả của dự án, mỗi NFT đại diện cho một trong số 880 chi nhánh của chuỗi nhà hàng này tại Mỹ. Hai nghệ sĩ còn xây dựng cộng đồng những người yêu thích Olive Garden và tạo cả nhóm Discord, nơi người tham gia giả vờ như đang ăn tối tại nhà hàng này.
Mười ngày sau khi bộ sưu tập được công bố, đại diện Olive Garden cho biết dự án này không liên quan đến họ. Ngày 30/12/2021, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng gửi yêu cầu gỡ bỏ bộ sưu tập đến OpenSea – sàn giao dịch NFT đang bán dự án “Non-Fungible Olive Gardens”. Ngay sau đó, OpenSea xóa tài khoản của người bán và gỡ tác phẩm, khiến cộng đồng người yêu thích Olive Garden phản ứng lại chính nhà hàng này.
Theo WSJ, vấn đề bản quyền trên thị trường NFT ngày càng trở nên nhức nhối. Đôi khi các nghệ sĩ buộc phải trở thành “cảnh sát” đi săn lùng những kẻ biến tác phẩm của họ thành NFT bất hợp pháp và mang bán trên mạng mà không được phép.
Trong nhiều trường hợp, nghệ sĩ và các thương hiệu cũng xảy ra mâu thuẫn khi có quan điểm ngược nhau về mục đích và giá trị của NFT. Đối với nghệ sĩ hay người thưởng thức, NFT của ảnh chụp một chiếc đồng hồ sang trọng như Rolex là một dạng nghệ thuật kỹ thuật số. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhãn hiệu, đó là phiên bản khác của sản phẩm thực tế họ đang sở hữu. Đây là một loại hàng hóa kỹ thuật số có thể thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong metaverse.
Nhiều thương hiệu dần nhận thấy tiềm năng của việc tham gia trong metaverse. Tại đây, các nhãn hàng có thể xây dựng cửa hàng ảo, bán sản phẩm dưới dạng NFT, từ đó tiếp cận thế hệ khách hàng mới. Một số công ty như Nike đã thực hiện bước đầu tiên trong việc bán sản phẩm dưới dạng kỹ thuật số.
“Trong metaverse, chúng ta đều là nhà kiến tạo. Đây là giai đoạn thích hợp để bắt đầu xây dựng. Dù bạn là người sáng tạo, thương hiệu hay doanh nghiệp, giờ là lúc để tìm cách tạo dựng nền móng trong metaverse”, Cathy Hackl, Giám đốc điều hành của Futures Intelligence Group, nói.
Chính những tiềm năng này khiến nhiều doanh nghiệp lớn, như hãng thời trang Hermès hay hãng phim Miramax, đang tìm cách loại bỏ những tác phẩm NFT có liên quan đến thương hiệu của họ. “Đây là làn sóng của đổi mới và tiến bộ. Quyết định của quý vị có thể ảnh hưởng đến tương lai của nghệ thuật trong metaverse”, Mason Rothschild, nghệ sĩ đứng sau những chiếc túi Birkin NFT, viết trong thư ngỏ gửi cho Hermès vào tháng 12/2021 khi được yêu cầu gỡ bỏ tác phẩm sử dụng thương hiệu từ nhãn thời trang này.
Phiên bản NFT của những chiếc túi MetaBirkins do Rothchild đã tạo ra cơn sốt trên thị trường này. Tổng cộng bộ sưu tập túi ảo đã đem về cho anh khoảng 1,2 triệu USD. Rothschild cho rằng việc bán MetaBirkins dưới dạng NFT “giống như bán chúng dưới dạng bản in”, vốn không cần bản quyền.
Năm 2016, chuỗi rạp chiếu phim Cinemark từng kiện Roblox vì một số người dùng đã tạo thành phố ảo trong game này có chứa các rạp chiếu phim Cinemark. Vụ kiện bị bác bỏ hai tháng sau đó mà không có bất kỳ phán quyết công khai nào.
Theo giáo sư Kal Raustiala, chuyên nghiên cứu quyền sở hữu trí tuệ tại trường Luật UCLA, luật truyền thống có thể có lợi cho những nghệ sĩ như Rothchild. Tuy nhiên, những quy định và quy chuẩn trước đó có thể phải thay đổi khi bắt đầu xuất hiện các vụ kiện liên quan đến NFT. Đến nay, vẫn chưa có trường hợp khởi kiện chính thức nào về vấn đề bản quyền NFT.
Hiện chưa rõ liệu Hermès hay chủ sở hữu Olive Garden có thực hiện hành động pháp lý nào để ngăn các dự án NFT sử dụng thương hiệu và hình ảnh sản phẩm của họ hay không. Những tranh chấp thế này được nhận định chỉ là thách thức ban đầu khi thế giới dần tiến đến thời đại metaverse và công nghệ blockchain trở nên phổ biến.
Mỹ Quyên (theo Business Insider)